Thư mời viết bài Hội Thảo

Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế:"Chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0"

28/09/2022
Trường Đại học Thương mại , Học viện Viettel và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng IMC Krems (Cộng hòa Áo) đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế:"Chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" vào ngày 29 tháng 9 năm 2022 tại Trường Đại học Thương mại.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới. Những thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới trên mọi ngành nghề, lĩnh vực như giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ kinh doanh,... đã cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số trong nền kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID 19 đã minh chứng những tác động quan trọng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số đã tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. Trong lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi số góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số làm tăng tốc độ tiếp cận thị trường, tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Với mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý, giáo dục,..., Trường Đại học Thương mại phối hợp với Học viện Viettel và Trường Đại học Khoa học Ứng dụng IMC Krems – Cộng hoà Áo đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp… trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng hoạt động chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và Việt Nam; các cơ hội và thách thức của quá trình chuyển đổi số; chia sẻ kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu mới của chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, kinh doanh và quản lý… trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh doanh.
Hội thảo đã nhận được gần 100 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước. Trong số các tác giả đã gửi bài tham luận có đại diện của các cơ sở giáo dục trong nước như Trường Đại học Thương mại, Học viện Viettel, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hàng hải, Trường Đại học Công đoàn, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Lạc Hồng, Trường Đại học Cửu Long, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Cao đẳng thương mại,…; các nghiên cứu đến từ các cơ sở giáo dục nước ngoài như Trường Đại học Khoa học Ứng dụng IMC Krems – Cộng hoà Áo, Trường Đại học Aix - Marseille Cộng hòa Pháp, Đại học Quốc gia Chung Nam – Hàn Quốc, Trường Đại học John Von Neumann – Hungary; cùng với sự tham gia của đại diện một số cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp như Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel),…
Kỷ yếu Hội thảo được biên tập gồm 4 nhóm chủ đề tham luận như sau:
Nhóm 1: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục
Các nghiên cứu trong chủ đề này tập trung phân tích thực tiễn chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nói chung và chuyển đổi số trong giáo dục đại học nói riêng. Cụ thể gồm các vấn đề như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: nội dung, quy trình và thách thức đối với các trường đại học Việt Nam; Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam; Phân tích nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số tại các trường đại học Việt Nam; Nghiên cứu các yếu tố tác động đến chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam; Số hoá trường đại học và giải pháp quản lý dữ liệu cho trường đại học số; Ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học;… Thông qua việc nghiên cứu thực trạng, đánh giá những thuận lợi và khó khăn của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học, các nghiên cứu đã đề xuất giải pháp và kiến nghị góp phần chuyển đổi số có hiệu quả đối với lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng đề cập đến việc áp dụng các mô hình học tập và quản lý cụ thể trong hoạt động đào tạo tại các trường đại học.
Nhóm 2: Tác động của chuyển đổi số đến doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Trong chủ đề này, các bài viết tập trung vào nghiên cứu xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Cụ thể gồm các vấn đề như: Chuyển đổi số trong học tập, đào tạo tại doanh nghiệp: Nghiên cứu thực tiễn tại tập đoàn Viettel; Phối hợp để chuyển đổi số hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; Khuyến khích đổi mới toàn diện trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghiên cứu hoạt động showrooming và webrooming tại các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam; Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Đồng Nai; Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Tác động của chuyển đổi số trong quản trị nhân lực đến năng lực đổi mới sáng tạo của nhân viên, lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững tại các doanh nghiệp Việt Nam; Ứng dụng công nghệ trong logistics 4.0: kinh nghiệm thế giới và khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hàng hoá Việt Nam; Chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam; Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, cơ hội và thách thức;... Từ những nghiên cứu này, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp về thay đổi mô hình kinh doanh, hoàn thiện thể chế, vận dụng các kinh nghiệm quốc tế,… để nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số tại doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng đề cập đến việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị nhân lực nhằm tăng cường năng lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Nhóm 3: Chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý
Ở nhóm chủ đề này, các bài viết tập trung nghiên cứu các giải pháp về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, trong quản lý thuế, trong lĩnh vực kế toán kiểm toán, trong quản lý chuỗi cung ứng, trong phát triển nông nghiệp,... Cụ thể gồm các vấn đề như: Ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hiệu suất công việc và vai trò trung gian của phát triển nguồn nhân lực: nghiên cứu trường hợp các ngân hàng thương mại Việt Nam; Giải pháp ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam; Giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain cho các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số; Chuyển đổi số và quản lý thuế: xu hướng thế giới và kinh nghiệm áp dụng tại Việt Nam; Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp; Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán kiểm toán; Chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động;… Từ đó, các nghiên cứu đã đưa ra các hàm ý và khuyến nghị để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực nêu trên tại Việt Nam. Ngoài ra, trong chủ đề này còn đưa ra các giải pháp về sử dụng các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối,… tại các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Nhóm 4: Các vấn đề lý luận, thực tiễn và bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Trong chủ đề này, các nghiên cứu xoay quanh các nội dung về lý luận và thực tiễn của thanh toán số, văn hoá số, kinh tế số, vai trò của chuyển đổi số,…; kinh nghiệm chuyển đổi số trên thế giới và bài học cho Việt Nam; thách thức liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp;… Các vấn đề cụ thể như: Thanh toán số, các xu thế công nghệ tài chính và nền kinh tế ngầm tại Đông Nam Á; Quan điểm và hàm ý về các quy tắc thương mại số trong kỷ chuyển nguyên số; Văn hoá số nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho Viettel; Xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số; Chính sách phát triển kinh tế số của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam; Cơ hội và thách thức của quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số tại thành phố Hồ Chí Minh; Thay đổi ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Chuyển đổi số trong quản trị nhà nước ở các nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam;… Một số vấn đề rút ra cho Việt Nam trong chuyển đổi số bao gồm: nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng, nền tảng số quốc gia đồng bộ; thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp; đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên nền tảng số;…
Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, một lần nữa xin trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đã đóng góp trí tuệ cho Hội thảo, cảm ơn các cơ quan, tổ chức, các cơ sở giáo dục đã giúp đỡ, ủng hộ và tạo điều kiện cho các tác giả tham dự Hội thảo quan trọng và giàu ý nghĩa này.