Đã diễn ra
[KASAL 50] QUY TRÌNH VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA QUỐC TẾ
21/12/2022 đến 21/12/2022Vận chuyển hàng hóa quốc tế là một quá trình rộng lớn và phức tạp, liên quan đến việc vận chuyển qua biên giới của các quốc gia có chủ quyền, đòi hỏi phải có quy trình cụ thể đối với mỗi hình thức vận chuyển.
[ĐƯỜNG BỘ]
? Vận tải hàng hóa bằng đường bộ là một trong những hình thức vận tải phổ biến và quan trọng trong hoạt động vận tải hàng hóa. Một số loại phương tiện phổ biến được sử dụng trong vận tải đường bộ như xe tải (loại xe có thùng, kín hoặc hở mái), xe container, xe bồn, xe fooc…
? Vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ cho phép linh hoạt về thời gian và địa điểm giao nhận, có thể lựa chọn phương tiện hay tuyến đường phù hợp theo yêu cầu, nhờ đó mà tiết kiệm được chi phí trong trường hợp vận chuyển tới nhiều địa điểm.
⚙️ Quy trình vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ:
Bước 1: Tiếp nhận thông tin yêu cầu của khách hàng.Khách hàng sẽ liên lạc tới các công ty vận tải và cung cấp thông tin yêu cầu. Công ty sẽ cử nhân viên đến tận nơi kiểm tra hàng hoá và đóng gói cũng như tư vấn đóng gói sản phẩm.
Bước 2: Báo giá
Công ty vận tải sẽ xác định trọng lượng, kích thước, địa chỉ giao nhận hàng, thời gian yêu cầu vận chuyển để tính giá cước của hàng hóa. Cuối cùng là lập hợp đồng vận chuyển để cam kết ngày nhận hàng và giao hàng
Bước 3: Thực hiện vận chuyển đơn hàng
Công ty sẽ điều phương tiện phù hợp đến lấy hàng tận nơi, sau đó hai bên ký biên bản giao nhận hàng hóa tại nơi nhận. Sau đó, hàng hóa sẽ được vận chuyển và giao hàng tận nơi. Nhân viên vận tải sẽ chuyên chở hàng hóa đến nơi theo yêu cầu của đơn hàng. Hai bên ký biên bản giao nhận hàng hoá và tiến hành tháo dỡ hàng nếu có.
Bước 4: Thu phí dịch vụ
Bước cuối cùng là kết thúc hợp đồng theo lô và thanh toán tiền cước phí vận tải đường bộ của hàng hóa đó.
[ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG]
Bước 1: Hoàn thiện thủ tục, giấy tờ trước khi vận chuyển: trước khi hàng hoá được vận chuyển, 2 bên xuất khẩu và nhập khẩu sẽ cần hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, bao gồm việc ký kết các hợp đồng ngoại thương, xin giấy phép xuất khẩu hàng hoá, ký kết hợp đồng với đơn vị trung gian vận chuyển, chuẩn bị các giấy tờ pháp lý liên quan,...
Bước 2: Hàng hoá được bên xuất khẩu kiểm soát kỹ lưỡng rồi bàn giao cho công ty giao nhận (Forwarder). Bên xuất khẩu cần kiểm tra kỹ các thông tin như: sân bay gửi, sân bay nhận, số hiệu chuyến bay, thời gian bay, khối lượng và thể tích hàng hoá,... để có thể gửi cho Forwarder đúng lúc, đúng lượng hàng.
Bước 3: Forwarder sẽ làm việc trực tiếp với hãng hàng không về các nghiệp vụ và thủ tục cần thiết như:
- Gửi và nhận hàng trực tiếp tại kho xuất khẩu và nhập khẩu.
- Làm thủ tục hải quan xuất khẩu và các thủ tục bàn giao cho hãng hàng không.
- Cấp cho người xuất khẩu các giấy tờ cần thiết như: Mã vận đơn, giấy chứng nhận đã nhận hàng, hóa đơn và giấy tờ liên quan đến lưu kho, vận chuyển,...
- Sau khi các thủ tục đã hoàn tất, hãng hàng không sẽ phát hành Master Airway Bill (Vận đơn hàng không) cho lô hàng và gửi kèm bản gốc AWB số 2 kèm theo bộ chứng từ do bên nhập khẩu yêu cầu theo lô hàng. Bản gốc AWB số 3 sẽ được giao lại cho bên gửi hàng và thông báo cước và phí có liên quan (Nếu có)
Bước 4: Khi hàng đến, Forwarder sẽ thu lại AWB bản gốc số 2, đến hãng hàng không để nộp các khoản phí và nộp hồ sơ hải quan.
Bước 5: Sau khi Forwarder hoàn thiện thủ tục lấy hàng tại kho hàng không, họ thanh lý tờ khai hải quan và vận chuyển hàng hóa cho bên nhập khẩu.
[ĐƯỜNG BIỂN]
?️ Vận tải đường biển là một trong những loại hình vận tải quan trọng đặc biệt trong hoạt động giao thương quốc tế hiện nay. Phương tiện chính thường dùng cho hoạt động vận tải đường biển là lài thuyền, cảng biển, cảng trung chuyển tàu thuyền là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa.
?️ Vận tải đường biển có nhiều ưu điểm so với vận tải đường bộ và đường hàng không như có khả năng vận chuyển được các loại hàng hóa cồng kềnh, quá khổ quá tải, chi phí rẻ hơn nhiều so với đường hàng không và các tuyến đường ít bị trở ngại hơn so với vận tải đường bộ.
⚙️ Quy trình vận chuyển bằng đường biển:
Bước 1: Đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải biển tiếp nhận yêu cầu của khách hàng. Thông tin nêu rõ địa chỉ hoặc kho lấy hàng.
Bước 2: Hàng hoá sẽ được vận chuyển từ kho lưu trữ đến bến cảng để kiểm tra trước khi đưa lên boong tàu bằng xe tải, xe đầu kéo container… sao cho tiết kiện chi phí và thời gian nhất.
Bước 3: Tiến hành khai báo hải quan và thông quan hàng hoá. Tiến hành kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra thực tế hàng hoá theo quy định của hải quan, lập bộ chứng từ chứng nhận xuất xứ. Tại bước này, các đơn vị vận chuyển sẽ tiến hàng khai báo bải quan điện tử, thực hiện các dịch vụ thông quan, thực hiện bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ cần thiết, xin giấy phép lưu hành tự do.
Bước 4: Đơn vị vận chuyển tiến hành đặt lịch tàu, xác nhận và thông báo sơm nhất với khách hàng để khách hàng cân đối thời gian và chi phí. Hàng hóa được xếp lên tàu và bắt đầu quá trình vận tải.
Bước 5: Sau khi hàng cập cảng đích, các đơn vị vận tải sẽ tiến hành làm thủ tục hải quan, thông quan, kiểm tra hàng hóa. Sau khi làm thủ tục xong, hàng sẽ được dỡ và giao đến địa chỉ người nhận như trong hợp đồng đã kí kết.
[ĐƯỜNG SẮT]
? Hiện nay, hình thức vận chuyển quốc tế bằng đường sắt không còn phổ biến nữa. Tuy nhiên, với một số mặt hàng nhất định với những tuyến vận chuyển cố định thì vẫn có thể sử dụng loại hình vận chuyển này. Quá trình vận chuyển bằng đường sắt có thể tóm gọn trong các bước sau:
Bước 1: Lựa chọn hình thức vận chuyển, bao gồm có vận chuyển nguyên toa và vận chuyển lẻ, tuỳ thuộc vào khối lượng và thể tích hàng hoá cần xuất khẩu. Ngoài ra, với lượng hàng hóa nguyên toa, hai bên sẽ cần bàn đến nguồn nhân lực tham gia hoạt động xếp dỡ hàng hoá.
Bước 2: Thu xếp vị trí toa hàng với công ty đường sắt.
Bước 3: Làm thủ tục hải quan xuất khẩu. Người gửi hàng sẽ được phát một “Giấy gửi hàng”, trong đó sẽ ghi rõ những giấy tờ cần thiết phải gửi kèm như: Giấy phép xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy tờ kê khai hàng hóa, các loại giấy tờ pháp lý liên quan,... để làm thủ tục xuất khẩu.
Bước 4: Bàn giao hàng hóa cho công ty đường sắt. Công ty đường sắt sẽ kiểm tra thực tế lô hàng, đối chiếu với số liệu và thông tin trong “Giấy gửi hàng”. Sau khi đường sắt đã nhận hàng và đóng dấu ngày tháng của ga gửi vào giấy gửi hàng thì Hợp đồng chuyên chở coi được ký kết.
Bước 5: Hàng hoá sau khi được vận chuyển đến nơi, bên nhập khẩu sẽ làm những giấy tờ hải quan liên quan đến nhập khẩu, tuỳ theo từng quốc gia rồi nhận hàng từ công ty đường sắt.
[ĐƯỜNG ỐNG]
⚡ Đường ống có chi phí cố định rất cao và chi phí biển biến đổi thấp nhất. Đây là con đường an toàn để vận chuyển chất lỏng và khí hóa lỏng (xăng, dầu, gas, hóa chất). Cho tới nay thì vận chuyển bằng đường ống chỉ rất giới hạn bởi chi phí ban đầu rất lớn và thiết kế phức tạp (xây dựng đường ống, trạm bơm, trạm điều khiển và kiểm soát). Vận tốc trung bình của phương tiện này khá chậm, khoảng 5 – 7 km/h nhưng bù lại là khả năng vận chuyển liên tục 24h/365 ngày trong một năm và không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Phương thức vận chuyển bằng đường ống khá đặc thù, chỉ phù hợp với những loại hàng đặc biệt như khí hóa lỏng, dầu, … phục vụ cho đối tượng đặc biệt như các công ty đa quốc gia, hoặc công ty đa quốc gia, hoặc công ty Nhà nước lớn.
⚡ Quy trình vận chuyển bằng đường ống là một quy trình khép kín, hàng hoá đặc biệt được vận chuyển liên tục vào trong đường ống và được bơm sang các trạm trung chuyển cho đến nơi cần vận chuyển.
- CLB LOGISTICS TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI - KHOA KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ -