Đã diễn ra

Trường Đại học Thương mại giai đoạn 1975-1985

12/08/2020

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất đi lên CNXH. Sau khi bầu cử Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa IV (4/1976), Đại hội Đảng lần thứ IV (12/1976) đất nước chuyển sang giai đoạn mới. Nhà trường có nhiệm vụ mới là đào tạo cán bộ thương nghiệp có trình độ đại học cho cả nước; các cơ sở kinh doanh và tham gia cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam.
1. Bối cảnh chung:
Thực hiện Nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, Trường tổ chức nghiên cứu sửa đổi mục tiêu, chương trình đào tạo để thực hiện cải cách giáo dục trong Nhà trường.
Do sự phát triển của Trường với nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi tên Trường Thương nghiệp Trung ương thành Trường Đại học Thương nghiệp (1979) và chuyển từ trực thuộc Bộ Nội thương sang Đại học và THCN (1983).

2. Mục tiêu và quy mô đào tạo
Thực hiện cải cách giáo dục, Trường đã xác định lại mục tiêu đào tạo chung và mục tiêu đào tạo các chuyên ngành đối với hệ chính quy dài hạn tập trung theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng chính trị, khả năng chuyên môn và năng lực thực hành.
Các chuyên ngành đào tạo gồm: Chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp, chuyên ngành Quản lý ăn uống công cộng, chuyên ngành Nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh hàng công nghiệp, chuyên ngành Nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh hàng thực phẩm và nông sản, chuyên ngành Nghiệp vụ kỹ thuật chế biến ăn uống công cộng, chuyên ngành Hạch toán thương nghiệp (từ năm học 1979-1980).
Quy mô đào tạo trong giai đoạn này: Hệ chính quy từ năm 1975-1980 bình quân tuyển 220 sinh viên/năm, từ năm 1981-1985 bình quân tuyển 127 sinh viên/năm; Hệ tại chức từ năm 1981-1985 bình quân tuyển 190 sinh viên/năm; Hệ chuyên tu bình quân tuyển 190 sinh viên/năm, các lớp bồi dưỡng bình quân tuyển 100 học viên/năm.
Đến năm 1985, Trường đã đào tạo và bồi dưỡng: 1439 học viên Hệ Trung cấp chuyên nghiệp, 7130 sinh viên Hệ Đại học, trong đó chính quy dài hạn 3567 sinh viên; chuyên tu 1171 sinh viên; tại chức 1792 sinh viên. Bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp: 2319 học viên.
 
1
Quang cảnh Trường trong ngày bầu cử Quốc hội Khóa IV (1976)

3. Tổ chức bộ máy chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong Trường
ĐẢNG ỦY
Trong tình hình mới, thực hiện Chỉ thị của Bộ Nội thương, Thành ủy Hà Nội, Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ IX đã cụ thể các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên thành các nhiệm vụ của Trường là: Phát huy thành tích đã đạt được qua 10 năm đào tạo đại học, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, chuẩn bị những điều kiện để thực hiện cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, đồng thời đáp ứng yêu cầu về cán bộ, giáo viên cho các cơ sở đào tạo, quản lý và các doanh nghiệp ở miền Nam; tiếp tục đẩy mạnh NCKH phục vụ thực tiễn và đào tạo… Các kỳ Đại hội Đảng bộ tiếp theo đều khẳng định nhiệm vụ đổi mới đào tạo, chú trọng NCKH phục vụ đào tạo và thực tiễn, trên cơ sở củng cố các tổ chức Đảng, công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, chú trọng xây dựng tổ bộ môn trở thành các đơn vị học thuật.
Trong giai đoạn này, Đảng bộ đã tổ chức 7 kỳ Đại hội, từ Đại hội khóa IX đến khóa XVI. Các đồng chí Bí thư Đảng ủy Trường là Nguyễn Trọng Phu (từ khóa VI đến khóa XI), Đặng Trí (khóa XII, khóa XIII) và Khuất Duy Ngọc (từ khóa XIV đến khóa XVI).
Đảng bộ Trường trực thuộc Thành ủy Hà Nội, trong đó có 2 năm (1983-1984) trực thuộc Huyện ủy Từ Liêm thành phố Hà Nội.
BAN GIÁM HIỆU
Năm học 1975-1976, Ban Giám hiệu gồm có đồng chí Lê Kinh Phì là Hiệu trưởng, các đồng chí Phó Hiệu trưởng là TS Hoàng Đạt, TS Phạm Duy Trân và đồng chí Lê Đức Chiểu.
Tháng 2/1976, đồng chí Đặng Trí, Phó Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng và sau được bổ nhiệm làm Quyền Hiệu trưởng (12/1976).
Tháng 10/1976, PGS.TS Lâm Chi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng.
Tháng 4/1981, GS.TSKH Nguyễn Mại được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Tháng 11/1983, PGS.TS Lâm Chi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Từ năm 1983-1985, Ban Giám hiệu gồm có PGS.TS Lâm Chi là Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng là các đồng chí Lê Đức Chiểu, Khuất Duy Ngọc, PGS Đào Kỵ, Hoàng Điền.
TỔ CHỨC PHÒNG, KHOA, BỘ MÔN, ĐƠN VỊ:
Đến năm 1985, Trường có các phòng, khoa, ban, đơn vị trực thuộc: Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Giáo vụ, Phòng Quản lý NCKH, Phòng Quản trị, Phòng Tuyên huấn, Phòng Kế toán – Tài vụ, Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Trang thiết bị - Kiến thiết cơ bản, Phòng Bảo vệ, Nhà ăn tập thể, Hợp tác xã tiêu thụ, Thư viện, Trạm Y tế, Xưởng in 3/2, Ban Lao động sản xuất, Khoa Kinh tế thương nghiệp, Khoa Thương phẩm – nghiệp vụ kỹ thuật thương nghiệp, Khoa AUCC, Khoa Hạch toán thương nghiệp, Khoa Bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế, Khoa Tại chức, Ban Mác-Lênin, Ban Thể dục – Quân sự, các bộ môn: Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ, Kinh tế thương nghiệp, Thống kê thương nghiệp, Kế toán thương nghiệp, Kinh tế chung, Kinh tế và tổ chức kỹ thuật ăn uống công cộng, Tổ chức kỹ thuật Thương nghiệp, Công nghệ phẩm, Thực phẩm, Pháp chế thương nghiệp XHCN, Bồi dưỡng cán bộ quản lý, Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Xử lý thông tin.
CÔNG ĐOÀN
Giai đoạn này, Công đoàn Trường đã tiến hành 6 kỳ Đại hội (từ Đại hội X đến Đại hội XV). Thư ký Công đoàn Trường là các đồng chí Nguyễn Đức Oánh, TS Lương Khang, Trịnh Văn Sùng, Hoàng Điền, Phạm Văn Tam. Công đoàn Trường đã phối hợp với chính quyền đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, phong trào xây dựng “Tổ đội Lao động XHCN”, phối hợp với chính quyền trong việc phân phối, sắp xếp nhà ở cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên đảm bảo công bằng, công khai; tổ chức vào miền Nam mua gạo cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên; tổ chức làm gia công chổi đót, đan len, bóc lạc, gấp phong bì; Công đoàn phối hợp với Hợp tác xã tiêu thụ trong việc khai thác hàng hóa nhu yếu phẩm, thực phẩm, tổ chức mua hộ lương thực, thực phẩm theo định lượng cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên.
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Đoàn Trường đã tiến hành 6 kỳ Đại hội (từ Đại hội X đến Đại hội XV), Bí thư Đoàn Trường là các đồng chí Trần Thị Bích Lộc, Đặng Trần Giao, Vũ Văn Bằng, Phạm Bá Dương.
Đoàn Trường đã đẩy mạnh phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” của đoàn viên thanh niên trên các mặt giảng dạy, học tập, NCKH và công tác, duy trì và đẩy mạnh phong trào xây dựng “Tập thể thanh niên giáo viên XHCN” và “Tập thể học sinh XHCN”; Đoàn Trường đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên đi lao động ở mỏ than Cọc 6 trong thời gian 15 ngày, đi đào hào trên phòng tuyến Sông Cầu tỉnh Hà Bắc.
 
2
Đồng chí Nguyễn Trọng Phu đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ X (1977)
 
4. Phát triển Khoa học - Công nghệ

Từ năm 1976 đến 1980, trọng tâm công tác NCKH của Trường là phục vụ giảng dạy và học tập, hoàn chỉnh mục tiêu đào tạo, cải tiến chương trình, giáo trình. Các giáo trình được biên soạn trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV, lần thứ V và các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nhiều môn học như Kinh tế Thương nghiệp, Thương phẩm học hàng công nghiệp tiêu dùng, Thương phẩm học hàng thực phẩm, Tổ chức và kỹ thuật thương nghiệp, Kỹ thuật bảo quản lạnh thực phẩm… đã có giáo trình in Typô.

Từ năm 1980-1985, các hoạt động NCKH hướng vào công tác cải cách giáo dục và thực hiện chức năng trường là trung tâm khoa học kỹ thuật của ngành. Nhà trường đã tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài phục vụ công tác đào tạo đạt kết quả tốt như đề tài “Vai trò người giáo viên đại học trong giáo dục Cộng sản chủ nghĩa cho sinh viên”. Đây là 1 trong 8 đề tài của Bộ Đại học và THCN hợp tác nghiên cứu với các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế về vấn đề giáo dục Cộng sản chủ nghĩa cho sinh viên. Mặt khác, việc NCKH để hoàn chỉnh mục tiêu đào tạo các chuyên ngành trong Nhà trường theo tinh thần cải cách giáo dục tiếp tục triển khai trong các bộ môn giảng dạy. Trường đã ra Chuyên san về cải cách giáo dục (11/1980).
Đến giai đoạn này, tất cả các môn học đều có chương trình. Nội dung một số chương trình có những thay đổi đáp ứng sự đổi mới mục tiêu đào tạo các chuyên ngành, như phát triển phần Tổng luận Thương phẩm học hàng công nghiệp thành môn Lý luận cơ bản Thương phẩm học hàng công nghiệp; môn Nga văn có chương trình riêng cho các chuyên ngành kinh tế và công nghệ phẩm; chương trình môn học Cơ sở máy được xây dựng trên cơ sở các môn cơ học lý thuyết, sức bền vật liệu, nguyên lý máy; chương trình môn thiết bị AUCC được xây dựng trên cơ sở các môn thiết bị cơ, thiết bị nhiệt, thiết bị lạnh.
Cùng với việc biên soạn chương trình, giáo trình, nhiều bộ môn đã biên soạn được hệ thống bài thí nghiệm, hệ thống bài tập, hệ thống tài liệu tham khảo. 
Trong công tác NCKH, Nhà trường còn tổ chức cho sinh viên vừa đi thực tập tốt nghiệp ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, vừa nghiên cứu một số nội dung trong đề tài NCKH của giáo viên. Phương pháp đó đã giúp cho sinh viên vừa học tập được phương pháp NCKH, vừa hoàn thành tốt chuyên đề, luận văn tốt nghiệp.
Ngày 17/12/1984, Trường tham gia “Hội nghị tuổi trẻ sáng tạo trong các trường Đại học” khối công nghiệp lần thứ nhất, đề tài: “Bảo quản khoai tây bằng chế phẩm M1” đạt giải Nhì, đề tài “Xây dựng thực đơn nuôi dưỡng người lái máy bay” và “Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong kinh doanh thịt lợn” đạt giải Ba.
Với kết quả NCKH đã đạt được, vai trò và uy tín của Nhà trường được nâng lên rõ rệt. Nhiều giáo viên đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo. NCKH đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo; đã có 19 đề tài được áp dụng vào thực tế, trong đó có 7 Tiêu chuẩn Nhà nước và Tiêu chuẩn Ngành được ban hành. Nhiều đề xuất trong các chuyên đề và luận văn tốt nghiệp của sinh viên có giá trị về khoa học và thực tiễn đã được các cơ quan sản xuất, kinh doanh đưa vào sử dụng. Từ năm 1975 đến 1985, Trường đã thực hiện 33 đề tài NCKH cấp Bộ, 88 đề tài NCKH cấp Trường.
 
3
Hội nghị "Dạy tốt" lần thứ 5 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Trường (1980)
 
5. Phát triển các nguồn lực

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ

Công tác xây dựng đội  ngũ được Đảng ủy, BGH Nhà trường đặc biệt quan tâm, nhất là cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý. Tháng 6/1985, đội ngũ cán bộ giảng dạy là 241 người, trong đó có 1 GS (Nguyễn Mại), 2 PGS (Lâm Chi, Đào Kỵ), 18 TS và 01 TSKH (Nguyễn Bích Đạt).
XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT
Nhà trường đã tích cực tranh thủ mọi khả năng, điều kiện để từng bước tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho đào tạo, đã xây dựng nhà xưởng hai tầng để sinh viên Khoa AUCC thực hành công nghệ chế biến các sản phẩm ăn uống và thực hành kinh doanh phục vụ; bổ sung thiết bị, nguyên liệu, vật tư, hàng mẫu, mô hình học cụ cho thí nghiệm; bổ sung sách, tài liệu, tạp chí cho Thư viện…
Từ những năm 1980-1985, Nhà trường đã xây dựng được 1 nhà ăn tập thể 2 tầng có diện tích sử dụng 600m2 sàn, được trang bị bán cơ khí, có xưởng sản xuất đậu phụ để cung cấp cho bếp ăn và bán cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Trường đã sửa chữa, cải tạo lại khu nhà ở cho sinh viên, bố trí sinh viên ở KTX theo từng khoa.
QUAN HỆ HỢP TÁC QUỐC TẾ
Từ năm 1976, Trường đã tiếp nhận đào tạo sinh viên Lào theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Đại học và THCN. Trường tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên Lào học tập, ăn ở và sinh hoạt. Trong 10 năm qua Trường đã đào tạo cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào gần 100 sinh viên tốt nghiệp ra trường về nước công tác.
Hàng năm, Nhà trường cử một số giáo viên thi tuyển nghiên cứu sinh, thực tập sinh và bồi dưỡng ngắn hạn tại Liên Xô và các nước Đông Âu.
 
4
Triển lãm sáng kiến giảng dạy phục vụ học tập lần thứ nhất năm 1982
 
 
6. Những sự kiện nổi bật

Trường Thương nghiệp Trung ương chuyển thành Trường Đại học Thương nghiệp theo Quyết định số 360/CP ngày 4/10/1979 của Hội đồng Chính phủ.

Năm 1979, thực hiện Nghị quyết số 73 ngày 12/7/1979 về công tác giáo dục của Hội đồng Chính phủ trong những năm trước mắt, Trường Đại học Thương nghiệp thuộc Bộ Nội thương được chuyển giao sang trực thuộc Bộ Đại học và THCN. Ngày 19/12/1983, Lễ ký Biên bản bàn giao giữa hai Bộ do GS.TS Nguyễn Đình Tứ, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Đại học và THCN, và đồng chí Lê Đức Thịnh, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội thương, tổ chức tại Hội trường H3 Trường Đại học Thương nghiệp.
Ngày 19/11/1985, Trường đã tổ chức kỷ niệm 25 năm xây dựng và trưởng thành, 20 năm làm nhiệm vụ đào tạo đại học. Với 25 năm xây dựng và phát triển, nhất là 10 năm sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, trường đã có nhiều thành tích trong đào tạo, NCKH, tổ chức quản lý, phục vụ sản xuất và đời sống.
 
7
Hội nghị giáo viên Chủ nhiệm lớp của khoa Hạch toán Thương nghiệp (1985)

7. Thành tích, khen thưởng

NHÀ TRƯỜNG
  • Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng: Huân chương Lao động hạng Ba (1979), Huân chương Lao động hạng Nhì (1984)
  • Bộ Nội thương tặng: Cờ thi đua xuất sắc 5 năm của Ngành (1977-1982)
  • Bộ Đại học và THCN tặng: Cờ thi đua xuất sắc năm học 1979-1980 và Danh hiệu Trường Đại học tiên tiến 8 năm liền (từ 1976-1985)
  • Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng: Đơn vị xuất sắc “Ba xung kích làm chủ tập thể” (1979-1982), Cờ “Ba xung kích làm chủ tập thể” (1985)
  • Thành ủy thành phố Hà Nội: Công nhận “Đảng bộ vững mạnh” các năm 1980, 1981, 1982, 1983, 1984, 1985, tặng Cờ “Đảng bộ vững mạnh” (1980, 1985)
  • UBND thành phố Hà Nội tặng: Đơn vị xuất sắc trong phong trào “Ba mũi tiến công chống tiêu cực” (1980), đơn vị xuất sắc “Phối hợp 4 lực lượng trong phong trào quần chúng Bảo vệ Tổ quốc” (1983-1984), đơn vị Thể dục thể thao tiên tiến 10 năm
  • Liên hiệp Công đoàn Hà Nội tặng: Danh hiệu “Công đoàn vững mạnh” nhiều năm
  • Ban Chỉ huy quân sự huyện Từ Liêm tặng: Cờ “Đơn vị Quyết thắng” 10 năm liền (1975-1985) cho lực lượng Tự vệ.
 
5
Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trường (1984)
6
Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trường (1984)

TẬP THỂ
  • Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng: Huân chương Lao động hạng Ba cho Bộ môn Thực phẩm (1984)
  • UBND thành phố Hà Nội tặng: Danh hiệu Nhà ăn tập thể “Ba tốt” 10 năm, danh hiệu “Tổ lao động XHCN” cho nhiều phòng, ban, bộ môn, hợp tác xã tiêu thụ, nhà trẻ
  • Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng: Cờ “Tập thể học sinh XHCN” cho nhiều lớp sinh viên (1975-1985), Cờ “Tập thể thanh niên giáo viên XHCN” cho tập thể chi đoàn thanh niên giáo viên 3 năm liền (1982-1984)
  • Đoàn TNCS HCM thành phố Hà Nội tặng: Bằng khen cho Đoàn trường, Liên chi đoàn, chi đoàn và nhiều cán bộ đoàn viên, Danh hiệu “Tập thể thanh niên giáo viên XHCN” cho nhiều chi đoàn giáo viên và “Tập thể học sinh XHCN” cho nhiều chi đoàn sinh viên.
CÁ NHÂN
  • Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng: Bằng khen cho các đồng chí: Phạm Văn Tam, Trưởng Bộ môn Kinh tế Chính trị; Tạ Văn Hài, Trưởng Bộ môn Thực phẩm; Trần Tài, Trưởng Bộ môn Công nghệ phẩm (năm 1983)
  • Bộ Nội thương, Bộ Đại học và THCN tặng Bằng khen cho nhiều cán bộ, giáo viên, công nhân viên
  • Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng: Huy chương “Vì thế hệ trẻ” cho các đồng chí: Nguyễn Mại, Vũ Văn Bằng (1983), Lâm Chi, Đào Kỵ (1984)
  • Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng: Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo cho các đồng chí Trần Văn Hậu, Nguyễn Thị Minh Nguyệt (1982), Tạ Văn Hài (1984), Lưu Vĩnh, Lâm Chi (1985)
Phát huy thành tích đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa BGH với các tổ chức chính trị - xã hội trong trường, cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên phấn khởi và quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện mọi nhiệm vụ trong thời gian tới.  
 
9
Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (1985)
8
Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (1985)