Đã diễn ra

Trường Đại học Thương mại giai đoạn 1986-1995

03/09/2020

1. Bối cảnh chung

Tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới của đất nước. Về giáo dục đại học, một số quan điểm mới được xác lập: Đào tạo phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế; đào tạo không chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước mà còn dựa vào các nguồn kinh phí khác để phát triển; đào tạo không chỉ theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước mà còn theo các hợp đồng; sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể liên hệ nơi công tác, tự lo việc làm trong các đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa VIII) đã ra Nghị quyết về Giáo dục – Đào tạo và Khoa học Công nghệ. Quán triệt Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và NQ của Trung ương, từng giai đoạn, Nhà trường đã xây dựng các chương trình hành động và kế hoạch công tác để thực hiện.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và các chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường đã đề ra 3 chương trình hành động và 5 chương trình mục tiêu nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Nhà trường đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 203/TTg ngày 2/5/1994 đổi tên Trường Đại học Thương nghiệp thành Trường Đại học Thương mại.

Nghiệm thu đề tài cấp Bộ mã số B91.22.06 về Đổi mới mục tiêu đào tạo, cơ cấu kiến thức các chuyên ngành của Trường Đại học Thương nghiệp (1994)
Nghiệm thu đề tài cấp Bộ mã số B91.22.06 về Đổi mới mục tiêu đào tạo, cơ cấu kiến thức các chuyên ngành của Trường Đại học Thương nghiệp (1994)

2. Mục tiêu và quy mô đào tạo

ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO CHÍNH QUY

Những năm đầu của giai đoạn này, mục tiêu đào tạo chưa thay đổi nhiều. Trường đào tạo theo diện hẹp, chủ yếu đào tạo cán bộ cho doanh nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán… Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và sự chỉ đạo của Bộ Đại học và THCN, Trường đã xây dựng mục tiêu đào tạo các Cử nhân kinh tế có nền kiến thức cơ bản rộng, thích nghi với yêu cầu thay đổi của thị trường lao động, có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi liên thông và có thể chuyển tiếp học bậc cao hơn. Mặt khác, Trường đã chú trọng khai thác thế mạnh về đào tạo một số chuyên ngành phục vụ cho ngành Nội thương.

Dựa trên những quy định của Bộ Đại học và THCN về cơ cấu kiến thức các chương trình đào tạo và kết quả nghiên cứu của Ban chương trình 1, sau nhiều lần thay đổi, Trường đã quyết định đào tạo các chuyên ngành theo khối ngành Kinh tế với 2 ngành là: Ngành Kế toán và Ngành Quản trị kinh doanh. Ngành Kế toán có một chuyên ngành Kế toán tài chính doanh nghiệp thương mại. Ngành Quản trị kinh doanh có 4 chuyên ngành là Quản trị doanh nghiệp thương mại, Quản trị doanh nghiệp khách sạn – du lịch, Marketing thương mại và Marketing khách sạn – du lịch.

Cùng với sự đổi mới về kiến thức khoa học, nghiệp vụ chuyên môn, các môn ngoại ngữ cũng được đổi mới. Các môn Anh văn, Pháp văn được giảng dạy thay môn Nga văn.

Từ năm học 1989-1990, Trường triển khai tổ chức đào tạo theo hai giai đoạn cho tất cả các đối tượng đào tạo (dài hạn tập trung chính quy, mở rộng và tại chức).

Bắt đầu từ năm học 1988-1989, đồng thời với việc tuyển sinh đại học dài hạn chính quy tập trung theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, Trường còn tuyển hệ phi chính quy (sau gọi là hệ mở rộng), hệ đại học chính quy Bằng hai, hệ đại học ngắn hạn.

VỀ ĐÀO TẠO TẠI CHỨC

Để phát triển đào tạo tại chức, đáp ứng nhu cầu xã hội và người học thuộc các thành phần kinh tế và góp phần thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, dựa trên chương trình đào tạo hệ chính quy tập trung, Trường đã xây dựng lại chương trình đào tạo tại chức dài hạn, tại chức Bằng 2, tại chức chuyên ngành và tại chức mở rộng.
Năm học 1994-1995, Trường quyết định tổ chức giảng dạy bổ sung một số môn cho các lớp sinh viên khóa 27 và mở rộng I, để cấp bằng Cử nhân kinh tế theo chuyên ngành mới.

Do đổi mới mục tiêu, đổi mới nội dung và ngành nghề đào tạo nên quy mô đào tạo của Trường phát triển nhanh cả loại hình đào tạo dài hạn chính quy và tại chức.

VỀ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC

Năm 1987, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho đào tạo Tiến sĩ theo 5 chuyên ngành: Kinh tế, quản lý và Kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân; Kế toán tài vụ và phân tích hoạt động kinh tế; Thống kê, Thương phẩm học các mặt hàng công nghiệp và nguyên liệu công nghiệp nhẹ. Từ năm 1994, Trường đào tạo Thạc sĩ kinh tế chuyên ngành Kinh tế các ngành sản xuất và dịch vụ.

 

7
Lễ công bố quyết định đổi tên Trường (1994)

3. Tổ chức bộ máy chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong trường

ĐẢNG ỦY

Trong giai đoạn 1986-1995, Đảng ủy đã lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường các khóa XVI (tháng 12/1984), khóa XVII (tháng 3/1990) và khóa XVIII (tháng 11/1992).

Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy khóa XVI đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 79 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chất lượng đảng viên; chỉ đạo cụ thể hóa 3 chương trình hành động của ngành trên các mặt công tác của Trường.

Từ năm 1986-1990, Bí thư Đảng ủy khóa XVI có sự thay đổi lần lượt là các đồng chí Khuất Duy Ngọc, Lâm Chi và đồng chí Trần Minh Tuấn là Quyền Bí thư Đảng ủy. Từ năm 1990-1995, đồng chí Nguyễn Thiện Đạt là Bí thư Đảng ủy khóa XVII, XVIII.

BAN GIÁM HIỆU VÀ BỘ MÁY

Ban Giám hiệu trong giai đoạn này có sự thay đổi, từ năm 1985-1988, PGS.TS Lâm Chi là Hiệu trưởng; Phó Hiệu trưởng là các đồng chí Lê Đức Chiểu, PGS Đào Kỵ, Khuất Duy Ngọc, Hoàng Điền.

Từ năm 1988 đến năm 1993, GS,TS Trần Minh Tuấn là Hiệu trưởng; Phó Hiệu trưởng là các đồng chí Lê Đức Chiểu, PGS Đào Kỵ, Khuất Duy Ngọc, Hoàng Điền, TSKH Nguyễn Bích Đạt.

Từ năm 1993, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ nhiệm GS,TS Nguyễn Thị Doan làm Hiệu trưởng nhiệm kỳ 1993-1997. Phó Hiệu trưởng là các đồng chí Khuất Duy Ngọc, GVC Nguyễn Thiện Đạt, PGS,TS Tạ Văn Hài.

Từ năm 1989, Đề án về sắp xếp tổ chức các phòng, khoa, bộ môn, đơn vị trực thuộc được Bộ Đại học và THCN duyệt, các đơn vị trong Trường giảm từ 16 đơn vị còn 10 đơn vị, sáp nhập phòng Tổ chức Cán bộ và phòng Hành chính tổng hợp thành phòng Tổ chức Hành chính; sáp nhập phòng Trang thiết bị, Bảo vệ, phòng Quản trị thành phòng Quản trị và thành lập Nhà văn hóa; tháng 6/1990 thành lập Câu lạc bộ công nhân viên chức.

Đến năm 1995, Trường có 6 phòng (Tổ chức Hành chính, Đào tạo, Kế toán tài vụ, Khoa học Sau đại học và Hợp tác Quốc tế, Quản trị Đời sống, Công tác chính trị), 5 đơn vị trực thuộc (Trạm Y tế, Thư viện, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai kỹ nghệ thương mại, Trung tâm Tin học ứng dụng, Thí nghiệm), 5 khoa (Quản trị Doanh nghiệp, Khách sạn Du lịch, Kinh doanh Thương mại, Kế toán Tài chính, Tại chức), 8 bộ môn trực thuộc Trường (Toán, Ngoại ngữ, Thể dục – Quân sự, Vật lý, Hóa môi trường, Triết học, Lịch sử Đảng – CNXH Khoa học, Kinh tế Chính trị), 12 bộ môn trực thuộc khoa.

CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG

Công đoàn Trường đã tiến hành 3 kỳ Đại hội (từ Đại hội XVI đến Đại hội XVIII). Thư ký Công đoàn Trường là các đồng chí Tạ Văn Hài, Đặng Đức Dũng, Nguyễn Quang Lập. Đây là thời kỳ đầu đổi mới của đất nước, Công đoàn Trường đã phối hợp với chính quyền tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, công nhân viên; tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra một số khâu công tác của Trường; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong CBCC; Ban Nữ công Trường đã tổ chức một số hoạt động trong nữ công nhân viên chức và nữ sinh viên.

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

Trong giai đoạn này, Đoàn đã tiến hành 4 kỳ Đại hội (từ Đại hội XVI đến Đại hội XIX). Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đồng chí Phạm Bá Dương, Bùi Xuân Nhàn, Nguyễn Văn Mến. Đoàn đã tổ chức vận động đoàn viên, thanh niên, sinh viên tích cực tham gia phong trào thi đua “Học tốt”, phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Thường vụ Đoàn Trường thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý ký túc xá sinh viên xây dựng các “Phòng ở kiểu mẫu”, triển khai phong trào “Phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội”,… đẩy mạnh hoạt động thể dục, thể thao nên đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong Trường.

Tự vệ Trường đã thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ giữ gìn tốt an ninh chính trị và trật tự trong Nhà trường. Mặt khác, thực hiện đạt kết quả tốt các mặc công tác quân sự địa phương.

 

6
Đồng chí Trương Mỹ Hoa - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trường (1995)

4. Những kết quả và thành tựu nổi bật

PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO

Đào tạo đại học:

Số lượng tuyển sinh hệ chính quy tập trung tăng hàng năm, từ năm 1986-1990 bình quân tuyển 200 sinh viên/năm, từ năm 1991-1995 bình quân tuyển 1500 sinh viên/năm; hệ tại chức từ năm 1986-1990 bình quân tuyển 938 sinh viên/năm, từ 1991-1995 bình quân tuyển 1079 sinh viên/năm. Trường tuyển sinh hệ đào tạo mở rộng được 4 khóa, từ năm học 1988-1989 đến năm học 1992-1993.

Do quy mô đào tạo của Trường phát triển nhanh về số lượng và địa bàn nên việc tổ chức, quản lý các lớp tại chức cũng có thay đổi. Cùng với Khoa Tại chức, Trường còn giao việc quản lý đào tạo tại chức ở một số địa phương cho các khoa chuyên ngành và một số trung tâm, đồng thời Nhà trường tăng cường theo dõi, kiểm tra, thanh tra.
Đào tạo sau đại học:

Trong 10 năm, từ 1985-1995, Trường đã đào tạo được 5190 Cử nhân kinh tế (trong đó 2290 Cử nhân hệ chính quy tập trung, 1889 Cử nhân hệ tại chức, 402 Cử nhân hệ chuyên tu, 479 Cử nhân hệ mở rộng và 130 Cử nhân hệ đại học ngắn hạn).

PHÁT TRIỂN CÁC NGUỒN LỰC

Phát triển đội ngũ:

Đến năm 1995, tổng số cán bộ công chức có 470 người, trong đó có 270 cán bộ giảng dạy, 11 PGS, 30 Tiến sĩ, 20 Thạc sĩ, 100 GVC, 7 Nhà giáo ưu tú, nhiều giáo viên đang học tập ở nước ngoài.

Phát triển quan hệ đối ngoại:

Hợp tác quốc tế ngày càng phát triển. Ngoài mối quan hệ hợp tác truyền thống của Trường với một số Trường thuộc Liên Xô (cũ) và các nước XHCN Đông Âu. Từ năm 1995, Trường có quan hệ hợp tác song phương về liên kết đào tạo với các Trường đại học của CH Pháp, Nhật, Thái Lan, Ấn Độ, các tổ chức quốc tế. Trường ký hiệp định với Tổ chức AUF về tài trợ học bổng cho 100 sinh viên lớp Quản trị doanh nghiệp.

Đổi mới bộ máy lãnh đạo Trường:
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tổ chức bộ máy lãnh đạo của Trường được đổi mới về nhân sự, đã phát huy được vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cơ chế phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện tốt nguyên tắc “Tập trung dân chủ”, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên đoàn kết, phấn đấu xây dựng Trường Đại học Thương mại ổn định và phát triển đi lên vững chắc.
Tháng 11-1995, Trường Đại học Thương mại tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trường. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, phát huy truyền thống 35 năm xây dựng và phát triển, Trường đã triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về Giáo dục và Đào tạo – Khoa học và Công nghệ, đổi mới toàn diện thành công, xây dựng được đội ngũ cán bộ chủ chốt kiên định, vững vàng thực hiện đường lối đổi mới. Cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng; quy mô đào tạo mở rộng, đáp ứng yêu cầu về nhân lực có trình độ chuyên môn bậc đại học và trên đại học cho xã hội, đặc biệt cho các tỉnh miền núi và các tỉnh mới tái lập. NCKH đã phục vụ có hiệu quả đổi mới đào tạo và đóng góp thiết thực cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng và đạt hiệu quả trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ giáo viên và sinh viên. Cơ sở vật chất của Trường được đầu tư trang thiết bị ngày càng hiện đại. Đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, giáo viên công nhân viên được nâng lên rõ rệt.

 

3
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trường và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường (1995)

5. Những sự kiện nổi bật

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 203/TTg ngày 2/5/1994 đổi tên Trường Đại học Thương nghiệp thành Trường Đại học Thương mại. Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 3328/GD-ĐT ngày 4/11/1994 đổi tên các khoa. Theo đó, khoa Kinh tế thương nghiệp đổi tên thành khoa Quản trị doanh nghiệp, khoa Hạch toán thương nghiệp đổi thành khoa Kế toán tài chính, khoa AUUC đổi thành khoa Khách sạn – Du lịch, khoa Thương phẩm – nghiệp vụ kỹ thuật đổi thành khoa Kinh doanh thương mại.

Việc đổi tên trường và đổi tên các khoa, phòng có ý nghĩa quan trọng, đã tạo cho trường, khoa có tên gọi mới sát hợp với mục tiêu đào tạo, nâng cao vị thế của Trường đối với xã hội và quốc tế; đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đổi mới.

 

4
Công đoàn Trường tổ chức tọa đàm về công tác Nữ (1995)

6. Khen thưởng

Với những thành tích nêu trên, Trường được nhận những phần thưởng cao quý:
- Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng: Huân chương Lao động hạng Nhất (1995)
- Thành ủy Hà Nội tặng “Cờ Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” (1995)
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho 19 tập thể, 20 cá nhân; tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 60 cán bộ, giáo viên, công nhân viên
- Trung ương Đoàn tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ” cho các đồng chí Nguyễn Thiện Đạt, Trần Đức Đạo, Trịnh Sùng, Lại Đức Cận
- Đoàn TNCS HCM thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho Đoàn TNCS HCM Trường và nhiều cán bộ đoàn viên, thanh niên

 

5
Lễ trao Huy chương "Vì thế hệ trẻ" của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho các đồng chí Nguyễn Thiện Đạt, Trịnh Sùng, Trần Đức Đạo, Lại Đức Cận (1995)

Phát huy kết quả đã đạt được, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thương mại, các Ban, Ngành ở Trung ương và địa phương, toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ toàn diện và vững chắc trên tất cả các mặt công tác, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đưa Trường Đại học Thương mại trở thành một trường đại học chuyên ngành vững mạnh.