Đào tạo chính quy

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THEO CƠ CHẾ ĐẶC THÙ NGÀNH QUẢN TRỊ DỊCH VỤ DU LỊCH VÀ LỮ HÀNH

21/02/2020

Trước hết cần khẳng định đào tạo theo cơ chế đặc thù (sau đây gọi tắt là đào tạo đặc thù) là hình thức đào tạo CHÍNH QUY và được cấp bằng đại học CHÍNH QUY.

Tại sao lại được gọi là đặc thù? Đây là các chương trình đào tạo thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tăng cường đào tạo nhân lực cho những ngành, lĩnh vực cụ thể đang thiếu nhân lực, trong đó có du lịch. Đào tạo theo cơ chế đặc thù là chương trình được phát triển từ chương trình đào tạo đại học đại trà, sinh viên được học lý thuyết song song với thực hành (50% thời lượng học lý thuyết tại trường và 50% thời lượng học thực hành tại doanh nghiệp). Với chương trình này, sinh viên không chỉ học mà còn có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm, tạo lập mối quan hệ với các doanh nghiệp theo đúng chuyên ngành đào tạo. Có thể nói đây là điểm khác biệt cơ bản đối với chương trình đào tạo đại học đại trà.

Trong những năm học vừa qua (2018 - 2019; 2019 - 2020), ngoài các lớp đại học đại trà, trường Đại học Thương mại tuyển các lớp học theo cơ chế đặc thù ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành phải đảm bảo các yêu cầu sau:

* Về kiến thức: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đạt chuẩn về kiến thức giáo dục đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội. Có đủ kiến thức về lý luận chính trị, kinh tế xã hội và kiến thức của ngành và chuyên ngành đào tạo

- Đảm bảo nền kiến thức giáo dục đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, bao gồm: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng Đảng cộng sản Việt Nam; Pháp luật đại cương, Lý thuyết xác suất và thống kê toán và Phương pháp nghiên cứu khoa học, có kiến thức khái quát về ngành du lịch và về điểm đến du lịch;

- Có kiến thức đủ rộng về nền kinh tế, kinh doanh và quản lý, bao gồm: Kinh tế học, Tổng quan khách sạn, Quản trị học, Thương mại điện tử căn bản, có kiến thức cơ bản về nghề Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành khi thực tập tại doanh nghiệp lữ hành; Tâm lý quản trị kinh doanh, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Văn hóa du lịch, Du lịch bền vững;

- Nắm vững kiến thức chuyên sâu và thực tiễn về Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, bao gồm: Quản trị dịch vụ, Quản trị chất lượng dịch vụ, Marketing du lịch, Kinh tế du lịch, Quản trị sự kiện, Tài nguyên du lịch, Quản trị tác nghiệp doanh nghiệp lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Quản lý điểm đến du lịch;

- Có kiến thức bổ trợ và phát triển sang các ngành đào tạo khác thuộc khối ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý, bao gồm: Quản trị khu nghỉ dưỡng, Quản trị buồng khách sạn, Quản trị nhà hàng.

* Về kỹ năng: Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn các kỹ năng chung căn bản của ngành và kỹ năng chuyên sâu của chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, bao gồm:

Kỹ năng nghề nghiệp:
- Thiết kế, triển khai, vận hành và đánh giá dự án/phương án kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Thu thập, xử lý thông tin để giải quyết vấn đề trong kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Thực hành tác nghiệp tại các bộ phận điều hành, hướng dẫn du lịch, thị trường, các bộ phận khác trong doanh nghiệp lữ hành;
- Thực hành quản trị kinh doanh chương trình du lịch, kinh doanh dịch vụ đại lý du lịch, quản trị quan hệ của doanh nghiệp lữ hành với nhà cung cấp, quản trị rủi ro trong các mối quan hệ của doanh nghiệp lữ hành, tổ chức sự kiện, hướng dẫn du lịch, tài nguyên du lịch.

Kỹ năng tư duy, nghiên cứu:
- Lập luận và giải quyết vấn đề kinh tế, kinh doanh và quản lý;
- Nghiên cứu và khám phá tri thức về quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Tư duy theo hệ thống;
- Có khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc theo nhóm, hình thành, phát triển và lãnh đạo nhóm;
- Hình thành ý tưởng quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Kỹ năng ngoại ngữ, tin học:
- Sử dụng tiếng Anh: Sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra Tiếng Anh TOEIC 450 theo quy định của Trường Đại học Thương mại tại Quyết định số 979/QĐ-ĐHTM ngày 15/11/2016 (tương đương Bậc 3 theo Thông tư 01/2014/TT-BGD&ĐT quy định về Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; hoặc quy đổi tương đương sang một số chứng chỉ ngoại ngữ khác theo Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 2 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
- Sử dụng tin học: Sử dụng thành thạo phần mềm tin học văn phòng.

Kỹ năng giao tiếp: Sử dụng tổng hợp các kỹ năng trong giao tiếp, biết lắng nghe, thảo luận, thuyết phục, chia sẻ.

* Về năng lực tự chủ và trách nhiệm: Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.

* Về thái độ: Sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đạt được các chuẩn về thái độ như sau:
- Có ý thức công dân, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức phấn đấu vươn lên trở thành nhà quản trị du lịch giỏi, hoàn thành tốt các trách nhiệm công dân;
- Có trách nhiệm đối với công việc, đáp ứng các chuẩn mực đạo đức của nhà quản trị du lịch, có tác phong làm việc khoa học, thái độ làm việc đúng mực;
- Có khả năng cập nhật, phát triển và vận dụng các kiến thức quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành hiện đại, sáng tạo, linh hoạt trong công việc.

Trong quá trình đào tạo, ngay trong năm học đầu tiên, các sinh viên đã được tham gia các khóa học thực tế từ các chuyên gia, giám đốc, nhân viên nhiều kinh nghiệm tại các tập đoàn lớn như Vin Group; Sun Group; Các công ty lữ hành: Hanoi Tourism, Opentour, Sunvina Travel,… Các khách sạn Deawoo; Crowne Plaza West Hanoi; JW Marriott; Sheraton,.. và một số đối tác của Nhật Bản như Cookbiz; Suganuma Group; Pizza 4PS, Core Global Management, Rebun Hokkaido,... Thông qua một số khóa học, các doanh nghiệp đánh giá rất cao về ý thức, sự chuyên nghiệp và kỹ năng của sinh viên. Có thể nói đây đang là bước đi đúng, phù hợp với mong muốn của sinh viên và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

86173923 2507754969330188 8892167824257056768 n

Việc đào tạo được tiến hành tại trường và doanh nghiệp du lịch theo phương thức cụ thể như sau:
a. Đối với các học phần lý thuyết và thực hành: học lý thuyết tại trường, kết hợp thảo luận hoặc thực hành (theo đề cương chi tiết các học phần đã xác định).
86809051 2507754252663593 8995156875112611840 n
b. Đối với các học phần thực tập: được thực hiện tại các doanh nghiệp liên kết đào tạo với Trường, cụ thể:

- Các học phần Thực tập thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương: Thực tập nhận thức nghề nghiệp được tổ chức vào năm thứ 1, sinh viên được tham gia một chương trình du lịch trọn gói và tự chọn học phần Thực tập nhận thức hiểu biết chung về ngành du lịch, về điểm đến du lịch theo đề cương học phần. Kết quả được đánh giá bằng báo cáo thực tập được chấm bởi 1 cán bộ thực tế của doanh nghiệp.

- Học phần Thực tập thuộc khối kiến thức cơ sở ngành: Thực tập tại doanh nghiệp lữ hành, tiếp cận nghề nghiệp được tổ chức vào năm thứ 2, sinh viên được tham gia vào các công việc có kỹ năng đơn giản tại doanh nghiệp lữ hành và các loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khác theo đề cương học phần. Kết quả được đánh giá bằng báo cáo thực tập nghề được chấm bởi 1 cán bộ thực tế.

- Các học phần kết hợp lý thuyết và thực tập thuộc khối kiến thức ngành và chuyên ngành: Thực tập các kỹ năng nghề nghiệp tại doanh nghiệp được tổ chức vào năm thứ 3, sinh viên được tham gia làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ cụ thể của doanh nghiệp, thực tập chuyên sâu các kiến thức về Quản trị sự kiện, Tài nguyên du lịch, Quản trị tác nghiệp doanh nghiệp lữ hành, Hướng dẫn du lịch theo đề cương học phần. Kết quả được đánh giá bằng báo cáo thực tập nghề được chấm bởi 1 cán bộ thực tế của doanh nghiệp.

- Thực tập nghề nghiệp: tìm hiểu sâu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phát hiện vấn đề thực tiễn, viết khóa luận.
86610558 2507754655996886 7320660529263935488 n

Trong năm học tới (2020 - 2021), Trường Đại học Thương mại tiếp tục tuyển sinh các lớp theo cơ chế đào tạo đặc thù của ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành. Cùng với đó, khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương mại sẽ tiếp tục ký kết, hợp tác với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được học tập, thực tập và trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp trong ngành Du lịch ở cả trong và ngoài nước. Có thể nói, đây là địa chỉ tin cậy của sinh viên, phụ huynh và là nơi giúp các em có được hành trang cần thiết để phát triển bản thân và có chỗ đứng trong xã hội.